BÀI 5: ÂM NHẠC TƯ DUY – CON ĐƯỜNG TẮT PHIÊU LƯU VÀ ĐẦY THÚ VỊ
- Những bài học trước đó đã giúp anh chị “đổ đầy bình nhiên liệu” rồi, tiếp đến chúng ta sẽ bắt đầu tăng tốc nhé!
- Dù không chạm liền đến mục đích là trở thành một giọng ca xuất chúng, hay tham gia những cuộc thi âm nhạc này kia. Nhưng ít nhất con đường chúng ta sắp đến vẫn có thể dẫn anh chị đến mục đích khác, không kém phần lớn lao trong ý nghĩa cuộc sống:
+ Anh chị có thể tự tin chinh phục một bài hát mà từ trước đến giờ chưa bao giờ được hát nó một cách trọn vẹn.
+ Gây ấn tượng khi tham gia giao lưu văn nghệ hay các cuộc vui dã ngoại,…
+ Sử dụng giọng hát như một món quà tràn đầy hơi ấm dành tặng cho gia đình.
+ Bày tỏ nỗi lòng, tình cảm chân thành qua những giai điệu ngô nghê.
- Dù biết con đường này sẽ gây ra nhiều tranh cãi trong những cách dạy học truyền thống nhưng không phải ai cũng có cùng MỤC ĐÍCH, QUỸ THỜI GIAN, ĐAM MÊ và TRÍ LỰC giống nhau. Nên nếu anh chị là người muốn thấy được sự thay đổi có hiệu quả thì các phương pháp mà mình đem đến chính là điều mà anh chị đang cần và anh chị có thể “toàn tâm toàn ý” tin tưởng!
- Quay lại với câu hỏi lớn nhất trong seri bài học là “LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ HÁT KARAOKE ĐỈNH CAO?” – Chỉ cần để ý 3 điều mà Ad đã đặt tên là “BỘ 3 KHÓ TÁNH”: HÁT KHÔNG BỊ PHÔ, HÁT KHÔNG TRẬT NHỊP và HÁT RÕ LỜI
- Được gọi là bộ 3 khó tánh vì chúng luôn hiện diện trong đầu người thưởng thức giọng hát, dù biết nhạc hay không biết nhạc họ vẫn vô tình soi xét rất kỹ nếu anh chị phạm phải. Dù có đẹp đến mấy, nhảy sung đến đâu hoặc diện một bộ đồ hoành tráng thì 3 điều trên cũng dễ dàng hủy diệt toàn bộ vẻ ngoài của anh chị.
BÀI 6: ĐIỀU KHIỂN GIỌNG HÁT BẤT TRỊ - ĐỘNG TÁC GIÚP THEO ĐÚNG TONE NHẠC
- Hãy tưởng tượng nhé, khi mở nhạc karaoke lên, nhạc lúc này như một đường ray xe lửa, việc của anh chị là điều khiển để “lái” giọng hát của mình đi vào đường ray đó. Một khi đã bám được vào rồi thì cứ thế mà trôi thôi, nếu trôi đúng thì giọng sẽ không còn bị “PHÔ”!
- Lúc này sẽ xuất hiện 2 câu hỏi mới:
Thứ nhất: LÀM SAO ĐỂ NHẬN BIẾT ĐƯỜNG RAY ẤY TRONG MỖI BÀI NHẠC NỀN KARAOKE?
Thứ hai: LÀM SAO ĐIỀU KHIỂN GIỌNG HÁT MẤT KIỂM SOÁT ẤY NHẰM “LÁI” NÓ ĐÚNG ĐƯỜNG RAY CỦA BÀI NHẠC?
- Giữa việc hát cho nhau nghe với nói chuyện thì khác nhau ở chỗ nào? Nói chuyện thì giọng anh chị ngang ngang nhau, không có âm cao hay âm thấp hoặc giả giọng anh chị lúc nói chuyện cũng có cao thấp đó nhưng nó “lung tung mất kiểm soát”.
- Hãy cùng thử với 3 trường hợp giọng hát nào: BỊ ĐƠ, CHẬP CHỜN và RỒ GA NHƯ DÂN CHƠI THỨ THIỆT
- Anh chị có để ý không? Khi chúng ta nhấn ga càng mạnh thì cây kim đo sẽ nhích càng cao và cây kim này chỉ đo giọng cao thấp chứ không hề đo giọng lớn nhỏ. Dù anh chị có la to cỡ nào, cây kim vẫn cứ chập chờn không nhích cao lên được, đồng nghĩa với việc giọng anh chị vẫn còn “ĐƠ” hoặc “CHẬP CHỜN” nếu cây kim dao động không được rộng và độ quét của cây kim không ngầu.
- Vậy nên, nếu anh chị bị bạn bè đánh giá là “HÁT DỞ” thì anh chị đã thuộc trường hợp là không biết điều khiển cổ họng để tạo ra âm thanh cao thấp như ý mong muốn. Và giờ hãy cùng thực hiện một số động tác để lấy lại quyền kiểm soát giọng hát của mình!
- NÀO! Hãy cùng đứng thẳng người lên, thực hiện động tác rồ ga và nhớ dùng điện thoại của mình ghi âm lại để tự nghe lại. Tự so sánh âm thanh giọng hát vừa thu với giọng hát trong 3 trường hợp trên để biết được mình đang trong trường hợp nào nhé! Hãy luyện tập thật chăm chỉ đến khi cây kim có độ dao động thật rộng và độ quét thật lớn là tốt rồi!
BÀI 7: MIỆNG LÀ NHẠC CỤ - ĐỘNG TÁC ĐIỀU KHIỂN GIỌNG HÁT CAO THẤP TÙY Ý
- Để trở thành một dân chơi thứ thiệt thì hãy đứng lên, lấy xăng vào trong người. Lấy một lượng hơi thật lớn vào bụng mình tạo ra 4 loại âm thanh môi trường sau:
+ Tiếng máy bay lúc hạ cánh, nghĩa đơn giản là phát âm chữ "u" với giọng hơi từ trên cao xuống thấp.
+ Tiếng máy bay cất cánh, nghĩa là phát âm chữ "u" với giọng hơi từ thấp lên cao.
+ Phát âm chữ "tưng" giống như tiếng đàn lên dây, từ lúc dây đàn chùng đến lúc dây đàn căng và ngược lại (Dây đàn càng căng thì âm thanh bắt đầu cao lên và cho ra nốt nhạc càng chuẩn, hãy thử cùng tạo ra âm thanh lên dây đàn bằng miệng từ thấp lên cao và từ cao xuống thấp, hãy chú ý chiều thứ 2 nhé!).
- Sau khi thử tạo ra những âm thanh môi trường này, phần nào đã giúp anh chị “cởi trói” cho cổ họng của mình được tự do, tạo ra những âm thanh cao thấp!
- Đừng quên thực hiện những động tác này và ghi âm chúng lại để so sánh sự khác biệt và tự đánh giá sự thay đổi trong giọng hát của mình anh chị nhé! Đây là những bài tập đơn giản có phần tuổi thơ, dù nó hơi ngô nghê, trẻ con. Nhưng nó lại là bài tập giúp cho hàng trăm người luyện tập thành công và thoát khỏi cảnh “giọng hát bất trị”, “thảm họa âm nhạc” rồi đấy!
BÀI 8: NGHỆ SĨ MÔ PHỎNG – KỸ NĂNG QUYẾT ĐỊNH GIÚP ANH CHỊ HÁT KARAOKE “CHUẨN KHÔNG CẦN CHỈNH”
- Với tiêu đề “NGHỆ SĨ MÔ PHỎNG” bao gồm 2 cụm từ: NGHỆ SĨ – MÔ PHỎNG. Lý do nào khiến cho một người nghệ sĩ trở nên khác với người thường, làm những điều mà người thường ít làm được? Bí quyết nằm ở chỗ người nghệ sĩ có khả năng “Quan sát – Bắt chước – Mô phỏng” rất nhạy bén, các giác quan của họ rất nhạy với hình ảnh, màu sắc, hình dáng, âm thanh,….
- Ví dụ: Chú Hoài Linh là một trong số những người nghệ sĩ rất giỏi về vấn đề này. Chú thành công là do chú có thể “sao chép” hoàn toàn hình ảnh người xe ôm, một ông thầy bói,…ở ngoài đời để đem lên sân khấu. Khán giả nhận ra được hình ảnh, động thái, thanh âm,…quen thuộc ấy, khiến họ bật cười. Thế là chú THÀNH CÔNG.
- Quay lại với 3 kỹ năng: QUAN SÁT – BẮT CHƯỚC – MÔ PHỎNG.
+ Quan sát tốt trong âm nhạc có nghĩa là cần luyện tập kỹ năng nghe tốt.
+ Bắt chước tốt có nghĩa là việc anh chị cần luyện tập thường xuyên với việc điều khiển giọng hát của mình đến mức giống với những gì mà anh chị đã nghe trước đó.
+ Mô phỏng chính là lúc anh chị sẽ tái hiện lại những gì mà anh chị nghe đúng và bắt chước đúng trước đó. Mô phỏng chính là lúc anh chị trình diễn khả năng ca hát karaoke của mình trước nhiều người tại quán hoặc tại không gian vui chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp.
- Đến đây có lẽ anh chị đã nhận ra được nguyên nhân gốc rễ là: Nếu anh chị quan sát “ẩu” tức là việc nghe của anh chị “sơ sài” sẽ kéo theo kết quả là anh chị sẽ mô phỏng bài hát đó sai, hát sẽ không hay. Từ đây, có thể suy ra: Hát không hay không phải là do giọng anh chị không hay hoặc do cổ họng mà nguyên nhân chính là do NGHE SAI.